top of page
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảThao Do

“EM MUỐN HỌC KIẾN TRÚC, MÀ BA MẸ KHÔNG CHO EM ĐI HỌC VẼ!”, CÂU CHUYỆN HỌC KIẾN TRÚC CÓ CẦN VẼ ĐẸP

Kể chuyện lăn tăn bởi Head Mentor Tuân từ Team Kiến Trúc MASSP


Rồi, khốn thật luôn, here we go again, câu chuyện nói hoài nói quỷ của cả mấy thế kỷ.

Xin lỗi nha nếu cái bài blog bị nguyền rủa này có xuất hiện trước mặt bạn vào một ngày đẹp trời nào đó, vào một lúc không ngờ tới nào đó, với một lý do cực kỳ phi lý nào đó, và làm bạn cảm thấy bị tổn thương theo một cách nào đó, thì như đã đề cập, cho tôi xin lỗi nha.

Được rồi, tôi sẽ không làm nó dài dòng mất thời gian trả lời cái câu hỏi này của tất cả các bạn đâu, nên tôi sẽ ghim một cái phép diễn dịch quy nạp siêu súc tích gì đó trường phái reddit quora yahoo answer wikihow aka. tl;dr (too long, didn’t read) ngay tại đây, ngay lúc này: “Không.”


Okay okay tôi biết rồi mà, tôi sắp sửa nói những điều này ra trong khi đang đứng lớp hai ba bốn cái lớp vẽ mỹ thuật khắp nơi trên Sài Gòn, điểm thi đầu vào môn vẽ của trường Đại Học Kiến Trúc thì nằm ở đỉnh của chóp, hồi 10 tuổi thì được giải Nét Vẽ Xanh, 18 xuân xanh thì là đàn anh trong CLB Mỹ Thuật ở trường cấp 3. Tôi là một tên đạo đức giả cũng chả ra gì kiểu “Ông chỉ nói thế vì ông vẽ đẹp rồi!” “Ông có nghĩ tới tình cảnh của người khác đâu!”, “Thật tuyệt làm sao khi từ đầu đã là thiên tài nhỉ?” “Vân vân vân vân vân vân”.


Và tôi cũng biết điều đó luôn đấy! Tôi “xin lỗi, được chưa?”


Nhưng thế này đi, tôi vẫn muốn nói, chỉ vì chính xác điều đó đấy, vì chính xác là tôi biết có những người không có khả năng vẽ đẹp được như tôi, nhưng lại cố chấp đến ngu ngốc muốn đi trên con đường mập mờ ranh giới của Kiến Trúc thật đẹp tuyệt vời nhưng cũng thật nhiều đắng cay như mối tình đầu đầy nước mắt giống như tôi đấy. Tôi đang muốn giúp các bạn đấy, và tôi thật sự có ý đó đấy! Tôi chưa từng có ý thấy tội nghiệp hay an ủi các bạn đâu.


Nên, ngay tại dòng này, với tất cả những bạn nào định hướng chuẩn bị bước vào lần đầu làm chuyện ấy với thứ gọi là “ka tê” nọ đang đọc bài này, bạn nào đã vẽ đẹp rồi, bạn nào đã là nghệ sĩ không cần nàng thơ rồi, đặc biệt là những bạn nào khi đọc tới dòng tl;dr của tôi thì phát tâm nóng giận bất đồng quan điểm mà cho rằng tôi đang ba hoa những chuyện không cần thiết, thì những bạn ấy có thể tắt máy đi ngủ được rồi. Yên tâm đi, bạn sẽ đậu Đại học nào dạy kiến trúc mà bạn muốn mà, tôi cam đoan đó. Bạn vẫn sẽ yêu thích Kiến Trúc thôi, cực kì sâu đậm là khác, mối tình của bạn với Kiến Trúc không khác gì một đôi đẹp mã hoàn hảo hay đi bón cơm chó cho tất cả mọi người (như tôi nè, tôi xin lỗi), hằng tuần bạn vẫn sẽ dùng tài vẽ và thong dong khắp nơi để gia nhập những nhóm urban sketcher đầy thi vị mà thôi, chẳng việc gì mà phải lo lắng hết.

Chỉ là, bài viết này không dành cho các bạn. Xin chào tạm biệt và thực lòng tôi cảm ơn bạn đã cố gắng đọc tới đây nha.


Được rồi chứ? Những người còn ở lại, những người kém may mắn hơn nhưng vẫn canh cánh trong lòng một tình yêu giản dị cho Kiến Trúc, những người đang sợ hãi, mặc cảm, tự ti vì một cú hiểu lầm lớn nhất từng có, hay nói cách khác, những người mà bài viết này đang chờ được các bạn đọc, theo tôi nào, bài viết này dành cho các bạn, như một sự đãi ngộ đầu tiên của tôi. Bây giờ tôi sẽ bắt đầu triển khai phép diễn dịch quy nạp kia thật sự cẩn thận và chi tiết nhé!


Nói về tất cả những hiểu lầm


Được rồi, để tiếp cận luận đề này thì tôi nghĩ chúng ta nên tiếp cận phản đề. Rằng những hiểu lầm về việc “Học kiến trúc là phải vẽ đẹp” là gì, và xuất phát điểm của chúng là tại sao mà có.

Chuyện đương nhiên, trong một mối tình khi mà đôi bên phát sinh mâu thuẫn, thì việc đầu tiên là giải quyết tất cả những hiểu lầm rồi còn gì.


Đặt vấn đề: Bây giờ, tưởng tượng một cách hữu hình hóa là bạn đang tìm hiểu một cô nàng mang “Kiến Trúc” (Xin lỗi vì đã lôi bạn vào mớ ngôn tình không cần thiết này). Bạn đã thầm thương nàng từ lâu, có được nàng là ước vọng cả đời. Và khi hai bạn bắt đầu tìm hiểu nhau rồi, bạn vui phải biết, nhưng lâu ngày đôi bên lại phát sinh một mâu thuẫn không đáng có.


Đó là: Bạn không thể nào hạnh phúc với Kiến Trúc được, nếu cô nàng vẫn còn đang giận bạn rằng “Tại sao anh không hề quan tâm tới em chứ?” và bạn cũng đang tự giận chính mình rằng “Tại sao tôi không phải là một người có tài năng xứng đáng với em chứ?”.

Hiểu lầm đầu tiên: “Tại sao anh không hề quan tâm tới em chứ?”


Bạn có tin không, đây là mấy nét nguệch ngoạc (tôi không đùa, họ dùng từ “scribbles” đó) khi thiết kế công trình tòa nhà chính của Louis Vuitton của kiến trúc sư Frank Gehry, người đã đạt giải thưởng danh giá nhất của kiến trúc tính đến hiện tại – giải Pritzker vào năm 1989, cùng với hơn 20 giải thưởng cực lớn khác về kiến trúc cũng như hơn 20 bằng tiến sĩ danh dự về kiến trúc từ những Đại học danh giá nhất hàng đầu thế giới nói chung như Oxford, Yale, Harvard hay những trường có uy tín số một về kiến trúc như Chicago, Học viện Nghệ thuật California.





Giời, trông có khác gì mấy cái bức vẽ của đám cháu đám em đang học mẫu giáo mà sẽ qua nhà và sẵn sàng lấy đống bút viết họa phẩm siêu mắc mua ở Tý Phước của bạn ra nghịch không kia chứ? Thế này thì chắc là Frank Gehry trứ danh chuẩn bị chui lỗ là vừa.

Và đây là công trình thực tế sau khi hoàn thiện.


Ơ ơ quái quỷ gì thế ma thuật đen gì thế này??!!

Thấm tại sao mình bị nàng Kiến Trúc giận rồi chứ?

Ơ chưa à? Giời đậu, làm ơn đi, tôi không có cả ngày để thay bạn thuyết phục cái cô nàng ba chớp ba nhoáng này. Nể tình lần này thôi đấy, liệu hồn mà lúc sau đãi tôi một trận cho hoành tráng.

Tiếp này, bạn đã từng nghe tới các phần mềm được gọi là CAD chưa?


CAD là viết tắt của Computer-aided design, nôm na là những phần mềm mà máy tính sẽ hỗ trợ bạn thiết kế. Một phần mềm CAD nổi tiếng trong việc tạo lập các bản vẽ thiết kế có thể kể đến như AutoCAD. Theo đó, bạn chỉ cần nhập kích thước, thí dụ, 200mm và máy tính sẽ tự động vẽ ra một đoạn thẳng 200mm (theo hệ quy chiếu trong máy tính), hay chưa, khỏi phải ước chừng ngắm chừng gì rồi dùng viết chì vẽ luôn. Nó trông như thế này.


AutoCAD hay hầu hết các phần mềm CAD khác còn có những chế độ bắt điểm (nôm na là máy tính tự nhận biết được các điểm mút, trung điểm, tiếp điểm v.v. của một đoạn thẳng hoặc đường tròn) phù hợp để bạn có thể tạo ra được những hình học mà mình muốn mà không tốn một tí công sức phải dùng thước căn ke như thế nào chỉ để vẽ một vuông bình thường.




Ngoài ra AutoCAD hay bất kỳ phần mềm CAD nào khác còn có thể giúp bạn tạo những dạng hình học khác như cung tròn, đường tròn, ellipse, những đường cong bất quy tắc (spline).

Và như thế, bây giờ việc vẽ tưởng chừng rất khó khăn phải cần nhiều sự luyện tập ngày đêm chỉ như một trò chơi nối điểm đơn giản, và voila, xem này, mấy ông kiến trúc sư ở Sparks đã chơi và nối hết các điểm để tạo ra được một căn nhà tuyệt đẹp rồi này.




Tuyệt ghê, bây giờ chúng ta sẽ không còn phải vẽ những bức tranh chỉ có căn nhà và ông mặt trời ở góc nữa. AutoCAD thật tuyệt vời! Cảm ơn AutoCAD nhé! (AutoCAD không tài trợ cho bài blog này)


Bây giờ chắc bạn cũng hiểu vì sao bạn bị nàng giận rồi đấy. Đúng rồi đấy, bạn không hề quan tâm tới con người ta một chút nào, một chút nào về cả nàng và sự tiến bộ của nàng. Nàng đâu cần bạn phải tài năng ở một lĩnh vực mà thậm chí nàng còn không đặt nặng. Nàng cần tình yêu của bạn, cần thứ tình yêu giúp bạn tìm hiểu tiếp tục những sự thật thú vị về nàng, về những cơ hội và thách thức, về cả những khía cạnh mà trong đó không có vẽ vời. Và rồi cùng nhau đi tiếp trên con đường của hai bạn. Đã thông suốt rồi chứ? Vậy hứa với tôi nhé, khi hai bạn chính thức hẹn hò (aka. được nhận vào trường Đại học), hãy tiếp tục yêu thương và trân trọng nàng từ những gì căn bản nhất nhé, bắt đầu với việc đứng top lớp Kiến Trúc Nhập Môn có được không?


Hiểu lầm thứ 2: “Tại sao tôi không phải là một người có tài năng xứng đáng với em chứ?”


Rồi rồi tôi biết rồi, tới cái màn “Anh Tuân chỉ bảo là học kiến trúc không cần giỏi vẽ, nhưng học kiến trúc cần giỏi cái gì thì anh Tuân lại không bảo huhu” rồi chứ gì?

Thế này nhé, giỏi toán, nhất toán hình học, chốt luôn vậy cho gọn.

Nói về kiến trúc, thì kiến trúc bản thể của nó là thiết kế, mà thiết kế thì dùng bản chất hình học.

Điểm, tuyến, cụm, dãy, mảng (diện tích) là các nội hàm lớn của tất cả các ngành nghề về thiết kế. Bạn để ý không, đó là những ý tưởng toàn từ hình học Euclid nhỉ?

“Điểm, tuyến, mảng, cụm, dãy” hiện diện ở khắp nơi trong kiến trúc. Những đầu cột, gốc cây, tay nắm cửa hay chỗ bố trí lỗ thoát nước, là những “điểm”. Đường đi vào nhà, hệ thống dây điện, cột ăng ten, ống khói, hành lang đều là những “tuyến” để giúp định hướng những luồng di chuyển khác nhau. Trong khi đó cửa đi, cửa sổ, vách tường là những “mảng” giúp che chở những gì nó được giao nhiệm vụ. Chi tiết về vấn đề này, đội ngũ mentor team Kiến Trúc của MASSP đã lên giáo án rõ ràng để giúp bạn dễ dàng cảm thụ, bạn cứ cân nhắc mà tham gia nhé (Tôi không có làm người tiếp thị, tôi nói thật).

Tặng bạn một cái mặt tiền đầy ý nghĩa hình học của công trình nhà thờ chính tòa Santa Maria Novella nhé.




Bạn thấy đó, nếu trong môn toán hình học trên trường mà bạn thậm chí dốt hơn cả con tốt, sởn da gà khi nghe thấy tính thể tích lăng trụ, vò đầu bứt tai khi không nghĩ ra cách tìm phân tuyến của tam giác, phân vân khi bị hỏi là hai góc đối đỉnh có bằng nhau hay không, ghét cay ghét đắng cái ông Tây ở đâu xa lắc xa lơ mà mình cứ phải bị thầy bắt học tên là Đề Các Đề Kiếc gì đó, thì thế thôi, chia tay với Kiến Trúc là vừa, mày không xứng với nàng thật rồi! Bỏ đi mà làm người em ạ.


Hiểu lầm thứ 3: Sự can dự của “bên thứ ba”


Đây rồi đây rồi, cái con giáp thứ 13 đã xuất hiện. Nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc tan vỡ của tất cả các cuộc tình.

Vậy “bên thứ ba” này là ai? Đây là ý kiến cá nhân của tôi, mong bạn sẽ chấp nhận, “bên thứ ba” ở đây trên bình diện chung là hệ thống xét tuyển của các trường Đại học cung cấp chương trình học kiến trúc mà trong đó có bộ môn thi vẽ mỹ thuật. Điều này vô hình chung đang đóng đinh tất cả các bạn vào một ý tưởng rằng: “Để học được kiến trúc thì phải vẽ đẹp, không vào được trường thì nói làm gì nữa”.


Tôi thì cũng chẳng muốn nói đi nói lại hoài về vấn đề “Đại học có phải con đường duy nhất không”, huống hồ nó còn là một chủ đề nghị luận khác. Nhưng để nói về việc này thì tôi chỉ xin nói là, việc dùng kết quả môn thi vẽ mỹ thuật (vẽ tượng thạch cao, chân dung, tô màu trang trí v.v.) như một tiêu chí đánh giá chính cho việc liệu thí sinh đó có “xứng đáng” để học kiến trúc hay không, vốn được dùng rất phổ biến ở các nước Đông Á (ngoài Nhật) đã đem tới một tiền lệ về sự thiếu hiệu quả trong việc đào tạo nên các kiến trúc sư tương lai. Việc được điểm cao trong môn vẽ chỉ thể hiện được thí sinh đó là “một người rất khéo tay” thì lại vô tình trở thành định mức đánh giá và phân bậc trong nội bộ cộng đồng các sinh viên ở những năm đầu, và thậm chí lại trở thành tiếp tục một định mức đánh giá cho các quý phụ huynh rằng “Nếu con mình không vẽ đẹp, thì nó không học kiến trúc được đâu”, bất luận cho cô cậu bé đó có tiềm năng về hình học đến mức nào, điều này tôi đã thấy nhiều đến phát chán khi còn đứng các lớp luyện thi vẽ đầu vào để nhập học trường Đại học Kiến Trúc.


Nên tôi mới ví điều này giống như là một “người thứ ba” đang phá đám mối tình với Kiến Trúc của các bạn, can dự vào lòng tin tưởng của bạn vào Kiến Trúc bằng sự tự ti và gieo rắc những hiểu lầm không phù hợp về người tình “Kiến Trúc” vào nhị vị song thân của các bạn.


Vậy bây giờ phải sao đây?


Tiếp tục đặt vấn đề: Bạn đã tìm ra những lỗ hổng hiểu lầm giữa hai người, bước tiếp theo hiển nhiên là hàn gắn mối quan hệ và tiếp tục đề ra những thỏa thuận chung, phương án chung giữa hai người trong tương lai, đúng chứ? Vậy chúng ta sẽ tiếp cận từng vấn đề dưới góc độ câu chuyện ngôn tình đã cũ này để các bạn có thể dễ nắm bắt nhé.


Đối với hiểu lầm đầu tiên, cái bạn cần làm là tìm hiểu thêm về nàng, chắc chắn. Tìm hiểu thêm kiến trúc là gì ở bình diện năng lực hiện tại của các bạn nhiều nhất có thể. Đừng phung phí thời gian, một sai lầm nhỏ có thể dẫn tới rạn nứt trong tương lai rất dễ dàng.

Bạn có thể tự đặt câu hỏi rằng làm sao với những bản phác thảo tay nguệch ngoạc đó mà Frank Gehry vẫn có thể tạo ra được một công trình mỹ lệ như vậy và tìm cách trả lời. Tìm hiểu thêm những tiền bối trước đó nữa, và tìm hiểu thêm về công việc hiện tại của các kiến trúc sư trên thực tế qua báo đài, internet hay người quen đã làm kiến trúc sư để đánh giá xem liệu việc “vẽ đẹp” có thật sự là điều mà nàng Kiến Trúc cần hay không? Từ đó xóa bỏ đi ngờ vực trong lòng và tiến tới với nhiều thăng trầm trong cuộc tình này hơn nữa.


Để giải quyết hiểu lầm thứ hai, thì, ý tôi là, tôi ghét nhất những người vẫn cứ ca thán về việc mình không tài năng thế này thế nọ ra sao nhưng cuối cùng vẫn quyết định là mình không làm gì cả. Điều này thật thảm hại. Đứng dậy đi, nếu bạn vẫn còn nghĩ là “kiến trúc cần phải vẽ đẹp mới làm được”, thì nếu biết bản thân vẽ không giỏi, tại sao không luyện vẽ ngay đi? Còn nếu bạn đã bị tôi thuyết phục, thì cũng nên nâng cấp chính bản thân với những luồng tư tưởng mới này ngay khi có thể, bắt đầu với việc tìm hiểu về chương trình học kiến trúc mà MASSP cung cấp cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc (Một lần nữa, tôi không tiếp thị, tôi chỉ tự hào về giáo án mà đội chúng tôi đã ngày đêm bỏ công biên thôi huhu). Vậy nhé! Tài năng lên! Xứng đáng với cô ấy đi chứ!


Hiểu lầm thứ ba là một thứ rất khó giải quyết vì bạn không thể thay đổi một hệ thống. Nhưng đối với những vấn đề này, thì bạn có hai cách tiếp cận phổ biến (ai cũng làm vậy). Đó là: Trốn tránh nó, hoặc đương đầu với nó. Bạn có thể chọn những cách trốn tránh thông minh và không đến mức phải từ bỏ như tính đường đi du học kiến trúc ở nước ngoài, hoặc đăng ký trường tư ở trong nước mà mức điểm thấp, không có môn thi vẽ. Điều này cũng cần có nghiên cứu và đề ra chiến lược thật bài bản về tài chính, năng lực và bản lĩnh. Với những bạn bạo gan hơn, chọn đương đầu với một hệ thống dùng điểm thi vẽ để đánh giá năng lực của bạn, thì các bạn hãy lên chiến lược luyện thi rõ ràng, bao nhiêu điểm là vừa đủ đậu, đầu tư vào các môn khác khi vẽ không là sở trường, vào được trường đã rồi tính tiếp đúng không? Sau khi vào trường thì cũng phải dũng cảm đối diện tất cả những định kiến đối với những người khác vẽ tài hơn và cũng theo đuổi nàng Kiến Trúc. Bạn đừng bận lòng, bạn yêu nàng mà, tình yêu đó nếu là thật, thì nó sẽ mạnh hơn tất cả mọi thứ. Sau cùng thì, vấn đề này khó giải quyết, nhưng kỳ thực nếu không giải quyết, cũng chẳng phải cái gì to tát.


Đôi lời kết


Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Như tôi đã nói, đây là sự đãi ngộ đầu tiên của tôi dành cho các bạn, với hi vọng các bạn sẽ vững tin hơn trên con đường mà mình đã chọn. Hi vọng rằng các bạn sẽ không phải quay lại với tôi để tìm kiếm thêm sự đãi ngộ nào đó khác mà con đường các bạn đi sẽ chỉ còn lại sự tin tưởng và niềm yêu thích. Nhưng chỉ để cho các bạn biết, tôi không ngại sẽ tiếp tục đãi ngộ các bạn nữa nếu lỡ may các bạn có một phút nào không tin tưởng vào bản thân đâu nha. Biết nhìn nhận ra điểm yếu của bản thân là một sự thức tỉnh rất tốt, nhưng để nó biến thành sự tự ti như một hàng rào ngăn các bạn đến với điều các bạn yêu thích thì không tốt chút nào.

Và theo đó, bài blog này đã hết. Xin chào và hẹn gặp lại, lần tới hãy là những con người tốt hơn, yêu đời hơn và yêu Kiến Trúc hơn nhé.

106 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page